Nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân Sơn Tây phát triển sản xuất

13/07/2023
Các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp nhiều hộ hội viên nông dân thị xã Sơn Tây có thêm kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Sự hỗ trợ này đã góp phần vào mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã.

sontay.jpg
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, một số hộ nông dân ở phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) đã có điều kiện mở rộng sản xuất đồ gỗ.

Theo đánh giá của Hội Nông dân thị xã Sơn Tây, việc triển khai các dự án vay vốn từ các nguồn ưu đãi đã tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thị xã thực hiện tốt việc vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tham gia chuỗi giá trị trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhiều xã, phường đã xây dựng thành công các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà, trâu bò, thủy sản, trồng hoa, cây cảnh…

Các dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt, bò sinh sản ở các xã, phường: Xuân Khanh, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ cho thu nhập ổn định 60-150 triệu đồng/hộ/năm. Dự án trồng hoa tại phường Viên Sơn có quy mô 2ha với 10 hộ hội viên nông dân tham gia, lợi nhuận trung bình là 137 triệu đồng/hộ/năm. Dự án chăn nuôi thủy sản ở phường Xuân Khanh với 20 thành viên tham gia, quy mô trung bình 2.500m2/hộ, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/hộ/năm…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Hưng Chu Văn Lộc, ngoài nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 357 hộ hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hiện là hơn 17,83 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của nhiều hộ hội viên đã vươn lên khá giả, thậm chí nhiều mô hình đã tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương.

Điển hình như gia đình hội viên Đào Thị Hải, ở tổ dân phố số 4 - Mai Trai (phường Trung Hưng), năm 2016 đã được Hội Nông dân phường hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 95 triệu đồng để đầu tư xưởng may công nghiệp. Đến nay, xưởng may của gia đình bà Đào Thị Hải đã có hơn 10 máy may, máy cắt, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng và thuê việc khoảng 25-30 lao động thời vụ.

Tại phường Xuân Khanh, từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hội viên nông dân đã xây dựng được các chi hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò sinh sản, gà thả vườn, sản xuất kinh doanh đồ gỗ, trồng rau an toàn, nấm đông trùng hạ thảo…

Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Khanh Lê Thị Thái cho biết, thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, phường có nhiều hội viên triển khai và thực hiện thành công các mô hình kinh tế, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/ hộ/năm, như: Hộ hội viên Phạm Thị Hải Yến ở Chi hội nông dân 5, có sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao; hội viên Tô Văn Ngọc, Chi hội nông dân 3 với mô hình kinh doanh cá Koi Nhật; hội viên Đặng Thị Nhung, Chi hội nông dân 4 với mô hình vườn - ao - chuồng...

Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Phùng Thị Thanh Hải thông tin, tính đến hết tháng 6-2023, từ nguồn vốn vay ủy thác của thành phố, Hội đã triển khai thực hiện 13 dự án, cho 153 hộ vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, sản xuất đồ gỗ. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của thị xã và các xã, phường là hơn 1,2 tỷ đồng, cho 66 hộ vay. Hiện tại, tổng dư nợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn thị xã đạt hơn 25 tỷ đồng; dư nợ cho vay tại các ngân hàng hơn 160 tỷ đồng. Nhìn chung, các hộ vay vốn ưu đãi đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả. Nhiều hộ có thêm vốn đầu tư sản xuất, mở rộng ngành nghề; hộ thiếu vốn, hộ nông dân nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thu hút được đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.

“Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thị xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để tăng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổ chức kiểm tra hoạt động vay vốn và chương trình phối hợp với các ngân hàng tại 100% đơn vị cơ sở Hội; đôn đốc hội viên nộp phí, gốc đúng hạn; hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định hồ sơ dự án vay quay vòng vốn và xây dựng các dự án cho vay vốn theo mô hình chi hội, tổ hội, kinh tế tập thể…”, bà Phùng Thị Thanh Hải cho biết.

Trích nguồn: Báo Hà Nội mới

THÔNG BÁO

Video