Hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế ở Xuân Sơn

29/02/2024
Người dân xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) đã và đang tích cực tìm hiểu, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Sự cần cù, chăm chỉ của nông dân Xuân Sơn đã giúp nâng thu nhập bình quân toàn xã lên 69,62 triệu đồng/người/năm và xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 11 hộ cận nghèo.

 

mo-hinh-trong-dua-le-han-qu.jpg
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà lưới ở xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo cán bộ khuyến nông xã Xuân Sơn Đỗ Thị Hồng Diễn, những năm trở lại đây, xã đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) và thị xã Sơn Tây hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như: Trồng dưa chuột nếp, dưa chuột chịu nhiệt vụ mùa, khoai tây vụ đông, ngô nếp lai… Mỗi mô hình có từ 50 đến 200 hộ nông dân tham gia. Các hộ được cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, hỗ trợ 50% giá giống. Cụ thể như mô hình trồng dưa chuột được thực hiện trên diện tích 1ha/vụ, cho thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp hơn 2 lần trồng lúa. Đến nay, nhiều hộ nông dân trong xã đã áp dụng và nhân rộng tổng diện tích trồng dưa chuột lên 4ha của 2 vụ: Xuân và hè thu.

Còn mô hình trồng ngô nếp lai F1 vụ thu đông trên tổng diện tích hơn 10ha, tập trung ở các thôn: Tam Sơn, Kỳ Sơn, Văn Khê, Xuân Khanh, đã cho thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/sào/vụ. Theo bà Đỗ Thị Hồng Diễn, ngô nếp lai trồng trong thời gian 2,5 tháng cho thu hoạch sản phẩm là ngô bắp tươi, mỗi vụ có thể trồng gối được 2 lứa. Ngoài ra, thân cây ngô còn được nhiều hộ dân trong xã tận dụng làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò, hoặc bán cho các hộ có nhu cầu với giá hơn 300.000 đồng/sào.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xã Xuân Sơn còn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh Nguyễn Trung Tấn ở thôn Lễ Khê. Qua tìm hiểu, học hỏi về cách trồng dưa lê Hàn Quốc, năm 2023, anh Tấn đã đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 1.000m2, lắp hệ thống tưới nước tự động để trồng 2.700 gốc dưa lê Hàn Quốc. Lợi thế của việc canh tác rau, quả trong nhà màng là cây trồng được bảo vệ trước những tác động xấu của thời tiết, ngăn chặn sự xâm nhập của chuột và côn trùng gây hại.

Quá trình canh tác, anh Tấn chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học. Dưa trồng khoảng 60-70 ngày là cho thu hoạch, mỗi năm canh tác được 3 vụ, quả dưa nặng trung bình từ 0,5 đến 1kg, giá bán buôn tại vườn và bán lẻ từ 45.000 đến 60.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, cho thu lãi hơn 30 triệu đồng/vụ/1.000m2.

Với lợi thế đất vùng đồi, xã Xuân Sơn còn có nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn xã có tổng đàn gia súc trâu, bò, lợn 11.000 con; đàn gia cầm 165.000 con, trong đó có hơn 20 hộ chăn nuôi từ 5.000 đến 20.000 con gia cầm, như gia đình các ông, bà: Trương Thị Thái, Hoàng Thế Cương (thôn Xóm Chằm); Đỗ Văn Hà (thôn Lễ Khê); Lê Thanh Hòa (thôn Tam Sơn)... Ông Phan Văn Quê - một hộ chăn nuôi gà ở thôn Lễ Khê chia sẻ, gần 10 năm qua, mô hình trang trại chăn nuôi gà đã giúp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 4 lao động của gia đình. Trang trại có tổng diện tích hơn 10.000m2 với 6 dãy chuồng, một năm chăn nuôi 2 lứa, mỗi lứa từ 7.000 đến 10.000 con gà thương phẩm, gà đẻ, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng/lứa…

Thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Hoàng Văn Vân cho biết, cùng với duy trì, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, xã tiếp tục tuyên truyền, động viên, khuyến khích các hộ dân tích cực tìm hiểu khoa học, kỹ thuật, phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP... Từ đó, cung cấp cho thị trường các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.

Trích nguồn: Báo Hà Nội mới

THÔNG BÁO

Video