Hà Nội cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ xuân
Tại buổi kiểm tra những diện tích đã cấy lúa xuân ở xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai), Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, nhìn chung, sản xuất vụ xuân năm nay tương đối thuận lợi. Dưới sự chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT, các địa phương đã lấy đủ nguồn nước gieo cấy và tưới dưỡng sau cấy. Đối với những diện tích khó khăn về nước sẽ được các địa phương chuyển đổi sang trồng các loại rau màu phù hợp.
Vụ xuân năm 2024, thành phố phấn đấu gieo trồng 101.498ha, trong đó, có 79.876ha lúa và 21.622ha rau màu các loại. Tính đến ngày 28-2, toàn thành phố cơ bản hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân (khoảng hơn 96-97%), sớm hơn trong khung thời vụ 4-5 ngày so với mọi năm. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng những giống lúa thuần chất lượng tốt nhằm gia tăng giá trị kinh tế, như: Khang dân, Thiên ưu 8, BC15 (chiếm khoảng 30%) và đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao: BT7, HT1, J02, Đài thơm 8, TBR225... (chiếm 67%); các giống lúa lai và giống khác chiếm khoảng 3-4%.
Bên cạnh đó, tình hình cơ giới hóa trong sản xuất vụ xuân năm nay được thành phố và các huyện quan tâm, đặc biệt Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, được các địa phương ghi vốn kịp thời cuối năm 2023 nên đã hỗ trợ được cơ giới hóa ngay trong vụ xuân 2024. Đến nay, toàn thành phố đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được hơn 50%, riêng vụ xuân năm nay hơn 10%, cao nhất từ trước đến nay...
Hiện, các địa phương cơ bản gieo cấy diện tích lúa xuân, bước vào bảo vệ chăm sóc lúa xuân, ngành Nông nghiệp yêu cầu các đơn vị khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện, phòng trừ các đối tượng dịch hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội; lưu ý theo dõi phòng trừ các đối tượng dịch hại chính: Bệnh đạo ôn lá phát sinh từ đầu tháng 3 trên trà xuân sớm, gây hại mạnh từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 trên các trà lúa. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Chuột phát sinh gây hại ngay từ đầu vụ, cao điểm gây hại cuối tháng 3 đến tháng 4 giai đoạn lúa làm đòng và hại nặng cục bộ diện tích lúa ven làng, gò đồi, gần các khu công nghiệp...
Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền để người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tránh loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam để sản xuất an toàn, hướng tới vụ xuân 2024 bội thu.