Phú Xuyên phát triển chăn nuôi thủy sản

30/08/2023
Huyện Phú Xuyên hiện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.514,1ha, với sản lượng đạt gần 17.000 tấn. Ở một số xã như Minh Tân, Quang Lãng, Tri Trung, người dân đã mạnh dạn nuôi các loại con thủy đặc sản như ba ba, trạch sụn, ếch… cho hiệu quả kinh tế cao.

 

ba-ba.jpg

Mô hình nuôi ba ba tại xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) mang lại thu nhập cao. Ảnh: Minh Nga

Tại xã Minh Tân, từ năm 2009, gia đình anh Vũ Văn Lai ở thôn Thần Quy có mô hình nuôi ba ba ở khu đồng Đường Láng, với diện tích 6.000m2. Là mô hình chăn nuôi con thủy đặc sản đầu tiên của xã, anh Lai chia sẻ, anh đã phải bỏ nhiều công sức để học hỏi kinh nghiệm nuôi ba ba và đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng trang trại, mua giống, thức ăn…

“Nếu không dài vốn và kiên trì, khó thực hiện được, vì phải từ 2,5 năm trở đi mới xuất bán được ba ba thương phẩm. Ngoài ra, khu vực chăn nuôi phải ở vị trí thuận lợi trong quá trình lấy nước, thay nước. Ba ba được nuôi gối nhiều lứa. Từ năm 2012, gia đình tôi bắt đầu xuất bán ba ba thương phẩm, loại gần 3 năm tuổi, có trọng lượng hơn 2kg, bán được 500.000-600.000 đồng/con; loại từ 5 năm trở lên, nặng hơn 5kg, bán được 2,5-3 triệu đồng/con. Trang trại cũng tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên, với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng”, anh Lai hào hứng chia sẻ thêm.

Trong khi đó, trang trại nuôi thả cá kết hợp trồng cây mít, chăn nuôi bò của gia đình anh Nguyễn Văn Điện ở thôn Thành Lập 1 (xã Minh Tân) cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Điện, từ năm 2018, anh cùng các thành viên trong gia đình đã đầu tư gần 6 tỷ đồng thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây trên tổng diện tích gần 10ha ở xứ đồng Tè, thôn Thành Lập 2. Riêng mô hình nuôi thả cá áp dụng kỹ thuật tạo sóng nước như sông trong ao, trên diện tích 7 mẫu, mỗi năm cho thu hoạch hơn 40 tấn cá, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm. Hiện, các sản phẩm từ trang trại của gia đình anh Điện đã được kết nối, tiêu thụ trong các siêu thị, nhà máy trên địa bàn huyện và nhiều quận nội thành.

Cũng là một “vựa” nuôi trồng thủy sản, xã Tri Trung có 89 trang trại, đang ở mức tăng trưởng khá cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng. Cơ bản các hộ làm trang trại thực hiện nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, cấy lúa, duy trì ổn định trên tổng diện tích 98,58ha trong vùng quy hoạch của xã. Điển hình tại thôn Tri Chỉ có hơn 20 hộ làm trang trại nuôi cá, ếch, ba ba.

Ông Vũ Văn Trọng, là thành viên Hợp tác xã Thủy sản Tri Phú (thôn Tri Chỉ) cho hay, từ năm 2004, gia đình ông đã thực hiện mô hình nuôi thả cá trên tổng diện tích hơn 6 mẫu. Đến năm 2016, tiếp tục đầu tư nuôi thêm ếch sinh sản và thương phẩm. Vốn đầu tư cho con giống cá, ếch và thức ăn khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Đối với diện tích nuôi thả cá, 2 năm cho thu hoạch 3 lứa. Riêng ếch có 2 khu chăn nuôi, tổng số gần 300.000 con, mỗi năm xuất bán được 2 lứa.

“Tổng doanh thu từ cá, ếch đạt 4-5 tỷ đồng/năm. Trang trại của gia đình tôi tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/ người/tháng... ”, ông Vũ Văn Trọng thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng, nhiều thành viên các hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản của xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển thủy sản. Chẳng hạn, Hợp tác xã Thủy sản Tri Phú, thôn Tri Chỉ đã giúp các thành viên phát triển sản xuất, triển khai xây dựng mô hình thủy sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 4,12ha, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thu nhập từ vùng chuyển đổi cũng tăng dần, từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân toàn xã đạt 72 triệu đồng/người/năm và xã chỉ còn 2 hộ nghèo (chiếm 0,14%).

Trao đổi về tình hình chăn nuôi thủy sản trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã đẩy mạnh phát triển vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch. Từ đó, tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Trích nguồn: Báo Hà Nội mới

THÔNG BÁO

Video