Đồng hành với nông dân
Quan tâm, tháo gỡ kịp thời
Hội Nông dân thị xã Sơn Tây là một trong những đơn vị thực hiện tốt mô hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội. Hội Nông dân thị xã đã phân công cán bộ Hội thường xuyên bám địa bàn, gần gũi với người dân để nắm bắt tình hình tư tưởng của hội viên, từ đó đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Khuất Văn Sỹ, mỗi khi hội viên nông dân có những vướng mắc về các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách phát triển nông nghiệp…, Hội đều cử cán bộ vào cuộc, tiếp nhận và chuyển những kiến nghị đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. Chính vì vậy, nhiều năm qua, thị xã Sơn Tây không có điểm nóng hoặc khiếu kiện kéo dài liên quan đến hội viên nông dân.
Còn ở Đông Anh, Hội Nông dân các cấp của huyện thường xuyên có ý kiến, kiến nghị đến các cấp lãnh đạo huyện thông qua các buổi đối thoại, tiếp công dân định kỳ và tham mưu kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai các chủ trương chung. Bà Tô Thị Tám (hội viên Hội Nông dân xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) chia sẻ: “Hội Nông dân xã đã tổ chức tuyên truyền cho chúng tôi hiểu về các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm… Nhờ đó, người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn xã”.
Tương tự, tại các huyện Thanh Oai, Quốc Oai…, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình hình nông dân luôn được các cấp Hội triển khai sâu rộng. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, thời gian qua, những nỗ lực của Hội Nông dân các cấp trong việc lắng nghe tâm tư và hỗ trợ nông dân gặp khó khăn đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng và được xem là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội. Đặc biệt, các tâm tư, kiến nghị trúng, đúng từ các cấp Hội Nông dân luôn được địa phương quan tâm, tháo gỡ kịp thời.
Tạo đồng thuận trong nhân dân
Để phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức 5.138 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 484.319 lượt cán bộ, hội viên nông dân; trong đó, các cấp Hội Nông dân trực tiếp tổ chức được 1.130 buổi, cho 110.090 lượt hội viên... Ngoài ra, toàn thành phố đã và đang duy trì 257 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, với 7.461 thành viên.
Hội Nông dân thành phố cũng đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia 1.513 tổ hòa giải ở cơ sở, với 7.088 thành viên. Cũng từ năm 2018 đến nay, phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tham gia 2.489 buổi tiếp công dân với 34.330 lượt công dân, tham gia hòa giải thành 4.158 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; tiếp nhận 522 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và đã giải quyết 164 đơn thư thuộc thẩm quyền; đồng thời chuyển 358 đơn tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Ngoài ra, các cấp Hội đã tổ chức 316 hội nghị phản biện, tiếp nhận 3.792 ý kiến góp ý vào dự thảo các văn bản, như: Các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; dự thảo luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp...
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp bền vững, đất đai, giải phóng mặt bằng, vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân… được các cấp Hội Nông dân thành phố đặc biệt quan tâm. Qua đó, nhiều kiến nghị đúng, trúng, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của số đông hội viên đã được chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu các cấp chính quyền với nông dân đã tạo được dư luận tốt trong các tầng lớp nhân dân.
“Trong một số vụ việc khiếu nại kéo dài và phức tạp, sau khi được các tổ chức Hội Nông dân tham gia giám sát, phản biện, đề xuất phương án giải quyết, các cơ quan chức năng đã xử lý dứt điểm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự ghi nhận, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền đối với tổ chức Hội”, bà Phạm Hải Hoa cho biết thêm.