Nông dân Hà Nội thay đổi tư duy, làm nông dân chuyên nghiệp, sản xuất theo tín hiệu thị trường
Gần 18.000 hội viên tham gia 2.481 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp
Báo cáo với đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: 10 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Thành uỷ Hà Nội, chủ động xây các chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Hội Nông dân TP Hà Nội về công tác Hội và phong trào nông dân. Ảnh: Thu Hà
Các cấp Hội Nông dân TP đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sau dồn điền, đổi thửa, phát triển kinh tế hộ, tạo bước chuyển quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội là đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và ra mắt được 45 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.041 thành viên và 406 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 4.087 thành viên. Đến nay, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã thành lập được tổng số là 154 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp 2.327 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với gần 18.000 hội viên tham gia.
Sáng ngày 25/10, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm thăm mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Thu Hà
Trong công tác kiểm tra, giám sát, 10 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội đã thực hiện được 1.625 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra đã đánh giá, ghi nhận những kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp Hội, nắm bắt những khó khăn, đề xuất và kiến nghị trong triển khai thực hiện các hoạt động công tác Hội.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng và lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2022, Hội Nông dân Hà Nội có 283.972 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (bằng 68,3% so với tổng số hộ hội viên).
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Hà Nội cũng đã xây dựng, phát triển các mô hình kinh có hiệu quả. Đồng thời, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về thông tin kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng phát triển mô hình kinh tế tập thể cho hơn 3.475 hội viên nông dân. Trong 10 tháng đầu năm 2022. Hội Nông dân các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã hướng dẫn thành lập mới được 16/18 hợp tác xã; các cơ sở Hội hướng dẫn thành lập được 318/406 tổ hợp tác.
Đến thăm mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của nông dân thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao tính chuyên nghiệp, đầu tư bài bản và hiệu quả của mô hình. Ảnh: Thu Hà
Đáng chú ý, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã vận động hội viên và nông dân đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hơn 2 triệu ngày công lao động, giúp đỡ nhau cây, con giống... Hoạt động này đã góp phần vào thành quả chung của TP Hà Nội. Đến nay, TP Hà Nội đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần nâng cao đời sống nông dân; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng ấn tượng, đạt 209% chỉ tiêu Trung ương giao
Một kết quả nổi bật nữa của Hội Nông dân Hà Nội là đã tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) toàn TP Hà Nội tăng trưởng trên 41,8 tỷ đồng, đạt 209% chỉ tiêu Trung ương giao. Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn TP Hà Nội đạt trên 712 tỷ đồng. Hà Nội hiện là địa phương có tổng nguồn vốn Quỹ HTND lớn nhất, số lượng hội viên nông dân được hưởng lợi nhiều nhất cả nước.
Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội Nông dân Hà Nội trong 10 tháng đầu năm 2022 là tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân.
Các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã phối hợp tổ chức 71 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với hội viên nông dân nhận được 113 ý kiến tại Hội nghị, 23 hội nghị phản biện với 231 người tham gia, trực tiếp đóng góp 69 ý kiến và gửi 48 văn bản phản biện về các văn bản dự thảo của cơ quan Đảng, Nhà nước, địa phương có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng ngày, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm làm trưởng đoàn đã đến thăm mô hình trồng hoa cây cảnh của Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ Hà Nội. Ảnh: Thu Hà
"Ngày 27/9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng có buổi đối thoại với nông dân Thủ đô trực tiếp tại Hội trường Thành uỷ và trực tuyến đến 424 điểm cầu tại 18 huyện thị và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố với trên 12.000 cán bộ, hội viên nông dân, tham dự.
Tại hội nghị có 6 nhóm vấn đề thuộc 10 câu hỏi của cán bộ, hội viên, nông dân kiến nghị đề xuất được Bí thư Thành uỷ Hà Nội trả lời và yêu cầu các sở ngành trả lời.
Kết luận hội nghị đối thoại, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành phố rà soát các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố, nhất là các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi , ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền, có thời hạn cụ thể để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô" - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa thông tin với đoàn công tác.
Mô hình trồng hoa lan của Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng hoa lan xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Thu Hà
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cũng cho biết, việc thực hiện một số chỉ tiêu thi đua năm 2022 chưa đạt tiến độ đề ra. Cụ thể, có 6/37 chỉ tiêu đạt thấp và 2 chỉ tiêu chưa thực hiện được gồm: thành lập chi hội nông dân tri thức; hỗ trợ nông dân khởi sự doanh nghiệp và khởi nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Hội Nông dân TP Hà Nội đã trình bày những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị những giải pháp trong triển khai công tác Hội và phong trào nông dân tới đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Cụ thể, đại diện Ban Tổ chức – Kiểm tra Hội Nông dân TP Hà Nội kiến nghị về hoạt động kiểm tra, giám sát của Uỷ ban Kiểm tra Hội Nông dân cơ sở ở nhiều nơi chưa tổ chức thực hiện được. Hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra Hội Nông dân cơ sở thường gắn với hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ, chưa tổ chức kiểm tra, giám sát độc lập được.
Ông Chu Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm chia sẻ: Với tốc độ đô thị hoá diễn ra ngày càng nhanh, việc kết nạp hội viên mới gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Gia Lâm đề nghị quan tâm hỗ trợ hội viên nông dân đô thị phát triển kinh tế gắn với du lịch nông nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu khó khăn về công tác cán bộ ở một số đơn vị còn thiếu, thay đổi nhân sự, cán bộ mới do công tác luân chuyển chưa tiếp cận được công việc. Đồng thời, đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục quan tâm đội ngũ cán bộ Hội trong công tác, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm.
đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 2 làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội Nông dân TP Hà Nội về công tác Hội và phong trào nông dân.
Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Nông dân TP Hà trong 10 tháng qua.
"Các hoạt động của Hội Nông dân Hà Nội vừa toàn diện, nổi bật và thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tăng trưởng và quản lý nguồn vốn Quỹ HTND rất tốt. Đặc biệt, Hội Nông dân Hà Nội đã thể hiện tốt vai trò là người "anh cả", tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động, kết nối tiêu thụ nông sản với Hội Nông dân 29 tỉnh, thành khác" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đề nghị, các cấp Hội Nông dân tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
"Đối với công tác Đại hội các cấp Hội Nông dân tới đây, với rất nhiều chi hội, tổ hội, Hội ND Hà Nội cần tiếp tục chủ động, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội cấp cơ sở.
Các cấp Hội Nông dân Hà Nội cần tổ chức tốt các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực cho nông dân. Hà Nội phải là đơn vị dẫn đầu, là điển hình trong toàn quốc về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, người nông dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm phù hợp với nhu cầu hiện nay, trở thành những nông dân chuyên nghiệp, sản xuất gắn với thị trường và có trách nhiệm với cộng đồng" - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Hà Nội cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, đẩy mạnh chương trình phối hợp với chính quyền, các ngành, doanh nghiệp, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố để hỗ trợ nông dân.
"Hội Nông dân Hà Nội cần quan tâm, hỗ trợ các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phát huy vai trò là những lực lượng nòng cốt, là hạt nhân, đầu tàu truyền cảm hứng cho nông dân, dạy nông dân, giúp nông dân sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống"- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm chia sẻ.